Contents
- 1 Kinh nghiệm xin giấy phép xây nhà ở mới tại đô thị
- 1.1 Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xây dựng mới nhà ở riêng lẻ.
- 1.2 Thời hạn cấp giấy phép xây dựng mới nhà ở.
- 1.3 Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới nhà ở riêng lẻ.
- 1.4 Thành phần bản vẽ thiết kế xin phép xây dựng mới nhà ở riêng lẻ.
- 1.5 Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng.
- 1.6 Điều kiện khởi công xây dựng công trình.
- 1.7 Thi công xây dựng nhà ở.
- 1.8 Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm.
- 1.9 Thông báo khởi công xây dựng.
- 1.10 Điều chỉnh giấy phép xây dựng.
- 1.11 Gia hạn giấy phép xây dựng.
Kinh nghiệm xin giấy phép xây nhà ở mới tại đô thị
Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xây dựng mới nhà ở riêng lẻ.
Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.
Ủy ban nhân dân cấp Quận/ Huyện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thuộc địa bàn do mình quản lý. (Theo khoản 3, điều 103 luật xây dựng năm 2014).
Thời hạn cấp giấy phép xây dựng mới nhà ở.
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. (Theo điểm e, mục 1 điều 102 luật xây dựng 2014).
Chia sẻ kinh nghiệm: Sau khi nộp hồ sơ thì nên chủ động liên hệ cán bộ thụ lý để nắm rõ tình trạng hồ sơ để có phương án sửa chữa và bổ sung kịp thời (nếu có sai sót).
Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới nhà ở riêng lẻ.
Khi có nhu cầu xây dựng mới công trình nhà ở riêng lẻ. Chủ đầu tư nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho Ủy ban nhân dân các Quận/ Huyện, thành phần hồ sơ cụ thể như sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Bản vẽ thiết kế xây dựng.
- Đối với công trình xây chen có tầng hầm. Hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.
- Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi chuẩn bị hồ sơ lần đầu, Quý Anh/Chị nên đến phòng đô thị hoặc bộ phận một cửa của UBND cấp Quận/ Huyện để hỏi về thành phần, biểu mẫu giấy tờ. Khi đi nhớ mang CMND và bản sao công chứng giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất.
Thành phần bản vẽ thiết kế xin phép xây dựng mới nhà ở riêng lẻ.
Bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt bao gồm:
- Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 – 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình.
- Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 – 1/200.
- Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200.
Chia sẻ kinh nghiệm: Tìm hiểu trước mật độ xây dựng, khoảng lùi, số tầng, chiều cao trước khi tiến hành thiết kế. Tốt nhất, Quý Anh/Chị nên nhờ cá nhân hoặc tổ chức có năng lực và kinh nghiệm tư vấn và thực hiện.
Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng.
Căn cứ theo điều 5, thông tư 05-2015/TT-BXD thì:
Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ nhà được tự thiết kế.
Đối với nhà ở dưới 7 tầng (trừ trường hợp trên) thì việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện.
Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện và phải được thẩm định theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Điều kiện khởi công xây dựng công trình.
Điều kiện khởi công công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ là có giấy phép xây dựng. (Điều 107, luật xây dựng năm 2014).
Thi công xây dựng nhà ở.
Theo điều 6, thông tư 05-2015/TT-BXD.
Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m. Chủ nhà được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng và các ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận.
Đối với nhà ở dưới 7 tầng, trừ trường hợp trên thì việc thi công xây dựng được tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thi công xây dựng công trình với quy mô tương tự thực hiện. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, chủ nhà phải tham khảo ý kiến của thiết kế để kịp thời xử lý.
Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc thi công xây dựng phải được tổ chức có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định thực hiện. Chủ nhà phải chuẩn bị hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm.
Theo điều 08, Thông tư 05/2015/TT-BXD. Trước khi thi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp (nếu có).
Trong quá trình thi công xây dựng, nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sập đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng nhà ở được xử lý theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Thông báo khởi công xây dựng.
Thông báo ngày khởi công xây dựng bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn 07 ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình. (Điểm c Khoản 2 Điều 106 Luật Xây dựng năm 2014).
Chia sẻ kinh nghiệm: Mỗi địa bàn có yêu cầu thành phòng hồ sơ thông báo khởi công khác nhau. Quý Anh/Chị nên liên hệ UBND cấp Phường/ Xã để xin mẫy thông báo khởi công và hỏi danh mục giấy tờ kèm theo để chuẩn bị.
Điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Theo điều 98, luật xây dựng năm 2014. Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng:
Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng, quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính.
Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm: Xây dựng sai bản vẽ xin phép không những bị phạt mà còn ảnh hưởng đến công tác hoàn công. Nên, kinh nghiệm là xây dựng nhà mới đúng bản vẽ hoặc điều chỉnh lại giấy phép (nếu có thay đổi).
Gia hạn giấy phép xây dựng.
Trước thời điểm giấy phép xây dựng hết hiệu lực khởi công xây dựng, nếu công trình chưa được khởi công thì chủ đầu tư phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng.
Mỗi giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn tối đa 02 lần. Thời gian gia hạn mỗi lần là 12 tháng.
Khi hết thời gian gia hạn giấy phép xây dựng mà chưa khởi công xây dựng thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới. (Điều 99, luật xây dựng năm 2014).
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: 139/1 Mỹ Phước – Tân Vạn, P. Bình Chuẩn, Tp. Thuận An, Bình Dương
Hotline: 0916.002.290
Email: zhome.contact@gmail.com